Những câu nói hay về dạy con luôn được mọi người chia sẻ và áp dụng nhiều nhất hiện nay. Bố mẹ hãy bỏ túi những thông điệp dưới đây để nuôi dạy con tốt hơn nhé!
Những câu nói hay về nuôi dạy con cái!
1. Đừng gây bất lợi cho con cái bạn bằng việc cho chúng cuộc sống dễ dàng. – Robert A Heinlein
Đây là câu nói hay về nuôi dạy con cái mà không phải cha mẹ nào cũng có thể thực hiện được! Bởi vì, cha mẹ nào cũng yêu thương con và không muốn con mình vấp ngã.
Tuy nhiên, chính cách che chở và dõi theo quá mức khiến con cái sẽ mãi sống trong vỏ bọc an toàn và khó phát triển được! Chúng không thể tự tin, vượt qua khó khăn. Vì thế, cách tốt nhất là bạn hãy dạy con cách vượt qua khó khăn thử thách và để trẻ tự trải nghiệm cuộc sống này!
2. Đừng nói với trẻ làm như thế nào. Hãy cho trẻ thấy làm như thế nào và đừng nói gì cả. Nếu bạn nói với trẻ, trẻ sẽ nhìn môi bạn chuyển động. Nếu bạn chỉ cho trẻ thấy, trẻ sẽ muốn tự làm. – Maria Montessori
Hiệu quả của lời nói sẽ KHÔNG MẠNH bằng hành động. Hãy làm trước cho trẻ thấy, khi trẻ không hiểu chúng sẽ tự hỏi, như thế giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn. Việc giải thích quá cặn kẽ chỉ là thừa, bởi vì:
- Lời nói khiến trẻ phân tâm. Bé ghi nhớ hình ảnh và hành động tốt hơn lời nói.
- Ngôn ngữ của trẻ đơn giản hơn người lớn chúng ta. Do đó, trẻ có thể sẽ không hiểu những điều bạn nói. Việc nói ít và làm nhiều sẽ hiệu quả hơn khi hướng dẫn con cái!
- Hành động khiến kích thích trí tò mò và học hỏi của trẻ!
3. Có nhiều cách làm hư con. Làm hư tinh thần bằng cách chiều chuộng quá mức; làm hư ý chí bằng cách chiều chuộng theo mọi ý thích, và làm hư trái tim nó bằng sự lo lắng phục vụ quá đáng.
Sức mạnh của đứa trẻ là ở nước mắt. Bé sẽ khóc thét cho đến khi đạt được cái mà chúng muốn. Chiều chuộng không phải là cách hay để nuôi dạy con! Vậy có cách nào hiệu nào hiệu quả hơn không?
Có chứ!
Hãy nói rằng: “Bố mẹ sẽ đáp ứng điều mà con muốn, nếu con làm việc ABC trước giúp ba mẹ nhé!” Hãy chọn ABC là những việc thách thức đối với trẻ nhưng bạn tin con mình sẽ làm được! Chẳng hạn như rửa chén trong 5 ngày hay việc quét nhà, lau nhà, xếp quần áo,…
Hơn nữa, việc đặt ra công việc ABC khiến trẻ tìm cách làm việc đó tốt nhất để đạt được mong muốn ban đầu mà chúng đặt ra. Điều này giúp bé có những kỹ năng tốt hơn khi bước ra ngoài cuộc sống sau này!
Nếu bạn không dạy trẻ ngay từ bây giờ, chúng sẽ nghĩ: muốn đạt được mọi việc trên đời này quá dễ dàng. Trẻ nhanh chóng sinh ra thói nản chí, không cố gắng trong học tập và cuộc sống. Cha mẹ có muốn thế không?
4. Không thể dạy trẻ hình thành tính cách. Nó đến từ trải nghiệm chứ không phải giải thích.
Bạn muốn trẻ cư xử lễ độ, hiếu thảo, “kính trên nhường dưới” thì bạn phải cho trẻ thực hiện việc này thường xuyên, không thể nói suông và giải thích.
Là cha mẹ, bạn hãy liên tục tận dụng tất cả trường hợp cụ thể để dạy trẻ những tính cách làm người tốt như lễ phép, biết ơn, kính trọng, giúp đỡ người khác,…
5. Đừng giới hạn đứa trẻ trong hiểu biết của bản thân bạn, bởi nó được sinh ra vào thời gian khác bạn.
Đây chính xác là thông điệp đã được nghệ sĩ Trấn Thành và diễn viên Tuấn Trần bộc lộ rõ nhất trong bộ phim đình đám: BỐ GIÀ!
Con bạn có cách sống và ước muốn riêng, tuy điều này có thể khiến bạn không chấp nhận! Đừng bao giờ lấy lý do “cha mẹ đi trước nên sẽ hiểu hết mọi chuyện” để cấm đoán tụi nhỏ. Bởi vì, thế giới này rộng lớn lắm, bạn nghĩ thế giới bạn biết và thế giới con bạn biết sẽ khác nhau đến mức nào!?
Vì thế, hãy mở lòng, lắng nghe, và cho con lời khuyên là bổn phận của mỗi cha mẹ chúng ta! Hãy dạy trẻ quyết tâm, kiên trì và tự tin vượt qua thử thách trong cuộc sống thay vì cấm đoán chúng!
6. Cha mẹ thương con mà không dạy con, như thế là không thương con.
Muốn con tốt hơn chỉ có cách duy nhất là dạy con. Càng thương bao nhiêu thì càng dạy đạo lý làm người bấy nhiêu?
Dạy chúng bằng trải nghiệm mỗi ngày, chứ không đợi có chuyện tồi tệ nào đó rồi mới dạy con!
7. Trẻ con là những kẻ bắt chước bẩm sinh hành động giống như cha mẹ mình bất chấp mọi nỗ lực để dạy chúng cách xử thế.
Mình có câu chuyện cười này muốn kể cho bạn nghe!
“Tôm mẹ bảo tôm con đi thẳng, chớ đi co quắp thế gian cười!”
Tôm con đáp lại: “Con rằng lạy mẹ con theo mẹ! Mẹ thử đi đi, thử thử coi!”
Đó là câu chuyện cười mà mình đã sưu tầm được trước đây! Ý chính ở đây là: tôm mẹ “cong vòng” mà đòi tôm con đi thẳng thì chắc chắn sẽ không làm được!
Vì thế, muốn dạy con làm người tốt, thì cha mẹ phải là người tốt trước đã! Muốn con lễ độ với mình, thì mình phải lễ độ và hiếu thảo với cha mẹ mình. Muốn con biết ơn người khác, thì cha mẹ phải có lòng biết ơn người khác,…
Một câu khác cũng có ý nghĩa tương tự: “Phải giáo dục trẻ em lòng vị tha chứ không vị kỷ. Muốn vậy trước hết chính bố mẹ cũng phải có lòng vị tha.”
8. Thời kỳ quan trọng nhất của cuộc đời không phải là ở tuổi học đại học, mà là thời kỳ đầu tiên, giai đoạn từ khi sinh ra cho tới khi sáu tuổi.
Câu nói này có ý nghĩa là gì? Mỗi đứa trẻ nào cũng đều hình thành tính cách ngay từ khi còn ở nhà. Và tính cách mới quyết định đến suy nghĩ, hành động, thói quen và số phận của con người!
Khoa học cũng chức minh: giai đoạn từ 0-6 tuổi, não bộ của trẻ có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh được sinh ra để trẻ nhanh chóng học hỏi mọi thứ xung quanh. Đây là thời kỳ quan trọng nhất để trẻ bắt đầu học ngôn ngữ, nhận biết học hỏi và hình thành nhân cách! Bố mẹ nên tận dụng giai đoạn “vàng” này để dạy con nhé!
Nhà giáo dục A. X. Macarenco cũng khẳng định: “Nền tảng của giáo dục chủ yếu được xây dựng từ khi trước 5 tuổi, nó chiếm tới 90% chất lượng của quá trình giáo dục. Từ sau 5 tuổi trở đi, tất nhiên vẫn phải tiến hành giáo dục, con người sẽ trưởng thành thêm một bước để rồi đơm hoa, kết trái, nhưng bông hoa mà bạn dày công vun trồng, chăm sóc thực sự đã có nụ từ khi trước 5 tuổi”.
Những câu nói hay cha mẹ dạy con!
9. Trẻ em phải được giáo dục, nhưng chúng cũng cần được để mặc cho tự giáo dục bản thân.
Tự giáo dục bản thân là khả năng tự nhận thức, tự lập, tự chịu trách nhiệm, tự chăm sóc và bảo vệ bản thân,… Nghĩa vụ của cha mẹ là giáo dục và uốn nắn con cái, nhưng chúng ta cũng cần để trẻ tự trải nghiệm và ứng dụng những điều mà chúng ta đã giáo dục!
“Tự giáo dục bản thân” giúp ích rất nhiều cho cuộc sống và quá trình học tập của trẻ. Cha mẹ sẽ không cần nhắc nhở nhiều mà trẻ vẫn chủ động học bài, tự ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ. Trẻ sẽ lắng nghe kỹ càng và suy nghĩ kỹ trước khi nói. Trẻ cũng sẽ chịu trách nhiệm khi cần thiết!
Cách nào để giúp con tự lập, tự chủ và tự chịu trách nhiệm? Xem ngay 11 gợi ý:
– Tự ăn uống đúng giờ, tự múc ăn
– Tự mặc quần áo
– Tự đi vệ sinh
– Tự tắm rửa
– Cho trẻ tham gia các hoạt động hội nhóm, cộng đồng phù hợp
– Dạy trẻ phụ giúp công việc nhà
– Dạy con tự lập là biết cách kiềm chế cơn giận: trẻ rất hay giận, do đó, bố mẹ nên mỉm cười và nói chuyện yêu thương là cách giúp trẻ biết kiềm chế cơn giận tốt nhất!
– Cho trẻ có trách nhiệm đóng góp vào công việc chung của gia đình và xã hội: chẳng hạn như khen ngợi và động viên trẻ biết giúp đỡ và quan tâm người khác, bạn bè, em út
– Bạn nên yêu cầu trẻ suy nghĩ, thay vì đưa ra các mệnh lệnh. Vd: “Đi đánh răng nhanh! Con đã soạn cặp chưa? Đừng quên bữa trưa!”… Đó là những câu mệnh lệnh nghiêm túc khiến trẻ khó chịu! Bạn nên hỏi trẻ: “Con cần làm gì tiếp theo để chuẩn bị đi học?”. Điều này sẽ giúp trẻ ghi nhớ những việc cần làm, dần dần trẻ sẽ quen và tự làm mà không cần bạn nhắc.
– Giúp trẻ hình thành thói quen tốt: dậy sớm, dọn dẹp đồ chơi, đánh răng khi ngủ dậy và trước khi ngủ,… Trẻ sẽ nhanh chóng thiết lập thói quen sống tốt thông qua việc làm đi làm lại nhiều lần những việc cơ bản.
– Hãy để trẻ đền bù những vật mà trẻ làm hư. Điều này sẽ giáo dục trẻ tính chịu trách nhiệm với hành động của mình, lần sau sẽ cẩn thận và suy nghĩ kỹ hơn! Hình phạt có thể là cho trẻ phụ giúp công việc nhà, không được chơi game, không được dùng điện thoại trong 5-6 ngày,…
– Dạy trẻ hiểu làm việc sẽ kiếm được tiền để có trách nhiệm hơn với công việc! Bạn có thể yêu cầu trẻ làm những công việc nhỏ như rửa xe, làm vườn… phù hợp với lứa tuổi vào cuối giờ học hoặc khi nghỉ hè và trả công cho trẻ.
Và, quan trọng nhất là bố mẹ cần làm tấm gương tốt để trẻ dễ noi theo và học hỏi!
11. Tất cả những tương tác của ta với trẻ nhỏ rồi sẽ kết trái, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong con người trưởng thành của đứa trẻ về sau.
Tương tác là những hành động quan tâm, yêu thương và giáo dục con cái.
Kết quả từ cuộc nghiên cứu với 2000 người trưởng thành cho thấy họ luôn ghi nhớ những lời mà cha mẹ nói lúc nhỏ, đặc biệt những lời khuyên bảo ý nghĩa.
Vì thế, bố mẹ hãy dành tình yêu thương và sự kiên trì để giáo dục trẻ trở thành người tốt! Hãy cho bé những lời yêu thương, quan tâm cho trẻ. Đây là toàn bộ những “hành trang quý giá” để trẻ bước vào cuộc sống! Có thể trẻ sẽ học thêm những điều hay khác, nhưng những điều “quý giá” mà bố mẹ đã dày công dạy dỗ bằng tình yêu thương sẽ “kết trái” lâu dài cho dù trẻ đã lớn!
Làm sao để tương tác tốt nhất với trẻ ngay từ nhỏ?
– Lắng nghe trẻ: quan tâm tới suy nghĩ, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng, sở thích của các em để có cách cư xử cho thích hợp. Hãy chia sẻ khi thấy trẻ buồn, hãy chơi đùa cùng trẻ. Nhưng với những yêu cầu không phù hợp hoặc những đòi hỏi quá đáng, đừng chiều chuộng mà hãy giải thích rõ để bé biết rằng việc đó không nên và các em cần biết kiềm chế.
– Hãy đọc sách và thảo luận cùng con: Ngay từ nhỏ, những lời ru, câu thơ, bài ca dao đã đi sâu vào tâm trí trẻ để hình thành sự gắn kết yêu thương với cha mẹ thông qua những tác phẩm này. Khi lớn lên chút nữa, bạn hãy phân tích cho con hiểu tình yêu thương được thể hiện trong những tác phẩm truyện tranh, văn học hay bất cứ một thể loại nào mà bạn đã từng đọc cho bé!
– Dạy bé cách biểu hiện yêu thương: hãy để trẻ hỏi thăm sức khỏe ông bà cha mẹ, biết giúp đỡ người khác! Nếu trẻ thực hiện tốt, bạn nên dành cho trẻ những lời động viên, và khuyến khích để bé làm tốt hơn! Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần nói rõ cho con biết không nên quá tin tưởng vào người lạ để tránh bị dụ dỗ.
– Hãy dành cho trẻ những lời khen, không chỉ là những lời khen về ngoại hình mà cả lời khen về vẻ đẹp trong tâm hồn, từ sự tốt bụng hay thông minh của trẻ… Điều này sẽ tác động tích cực lên sự phát triển của trẻ. Chúng ta cũng nên nói với trẻ về những tấm gương người tài giỏi trong cuộc sống, đó chính là con đường gián tiếp giúp con định hướng được bản thân mình trong tương lai. Tuy nhiên tự tin khác với tự cao. Bố mẹ cũng cần giúp trẻ nhận biết rằng: bên cạnh vẻ đẹp và trí tuệ của con, mọi người còn yêu thương con qua sự tử tế, biết suy nghĩ đến những người xung quanh của con.
Những câu nói hay về cách dạy con!
12. Các bậc phụ huynh đôi khi sẽ không có đủ thời gian để làm tất cả những gì khẩn cấp. Nhưng có một việc, chúng ta phải làm ngay, đó là giải đáp tất cả câu hỏi mà con trẻ đặt ra. Bởi vì, đây là cách tốt nhất để giúp trẻ tăng khả năng học hỏi và nhận biết thế giới xung quanh!
Theo thạc sĩ Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM cũng khẳng định: “Việc đặt câu hỏi là kỹ năng quan trọng nhất trẻ để khám phá thế giới xung quanh, giúp con người hình thành khả năng học hỏi đến suốt đời. Đặc biệt giai đoạn lên ba là thời điểm tốt nhất để dạy trẻ kỹ năng này.”
Vậy, phải làm như thế nào? Bố mẹ cần thường xuyên hỏi và trẻ lời và hỏi và trẻ lời với trẻ. Có thể những câu hỏi lúc đầu của trẻ có phần ngây ngô nhưng bạn tuyệt đối không chê bai trẻ. Thay vào đó, hãy khen ngợi và giúp bé đặt lại câu hỏi cho đúng và trả lời trẻ đơn giản, dễ hiểu hơn. Thậm chí tình trạng hỏi đi hỏi lại một câu hỏi cũng là vấn đề thường gặp ở trẻ. Do đó, bạn nên kiên nhẫn trả lời mà không nên có thái độ bực dọc với con! Dù không có thời gian, bạn cũng nên dành 10-15 phút mỗi ngày để chơi đùa và thảo luận cùng con để trẻ nhận được tình yêu thương và quan tâm từ cha mẹ.
“Khi đặt câu hỏi và được người lớn giải đáp, trẻ sẽ học được điều hay. Vì thế cha mẹ nên gieo hạt giống kỹ năng hỏi cho con, đồng thời nuôi dưỡng hạt giống ấy thì sẽ gặt được trái ngọt trong tương lai. Hãy giúp con muốn hỏi, dám hỏi và biết hỏi!”, thạc sĩ Phạm Thị Thúy khuyên.
13. Đừng ép trẻ học bằng sự bắt buộc hay hà khắc; mà hãy hướng trẻ học bằng điều thu hút tâm trí trẻ, để bạn có thể phát hiện tốt hơn năng khiếu đặc biệt của trẻ.
Khi trẻ hứng thú với việc học thì chúng sẽ tự giác học tập chăm chỉ và phát triển tài năng trọn vẹn. Việc ép buộc hay thúc giục là những biện pháp “cứu cánh” tạm thời trong những giai đoạn đầu. Nhưng càng về lâu về dài thì cách này được xem là không hiệu quả, thậm chí còn khiến trẻ sinh ra thói nói dối để đối phó hoặc nghiện game để tìm thú vui mới! Vì thế, bố mẹ nên dạy con tính tự giác học tập ngay từ khi còn nhỏ!
Bằng cách nào? Cũng chỉ vài bước đơn giản như sau:
– Chuẩn bị cho con một góc học tập thật ấn tượng và thu hút. Điều này ảnh hưởng đến 60% hiệu quả để giúp bé học tập hiệu quả. Bố mẹ phải tạo cho bé một góc học tập “yêu thích” của con để chúng học tập hăng say và thoải mái nhất! Thiết kế bàn ghế đầy màu sắc và dán những hình ảnh yêu thích là những bí quyết “thúc đẩy” hiệu quả!
– Thay đổi thói quen của cha mẹ: Ban đầu, bạn có thể ép buộc và giám sát trẻ để chúng có học tập chăm chỉ hơn. Bạn có thể “vò bài” và đặt câu hỏi để kiểm tra trẻ đã hiểu bài chưa? Nhưng nó chỉ hiệu quả trong giai đoạn đầu. Quan trọng nhất là bố mẹ cần xây dựng tính tự giác cho trẻ học tập mà không cần nhắc nhở. Bạn có thể cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trở để bé hứng thú hơn với việc học. Giúp trẻ đặt mục tiêu học tập, và nói: “nếu con đạt được mục tiêu bố mẹ sẽ thưởng ABC cho con”.
– Bạn nên đột xuất kiểm tra để xem bé học thế nào! Điều này khiến trẻ tự giác học tập, vì chúng nghĩ bạn có thể kiểm tra bất kỳ lúc nào?
– Cuối ngày hãy hỏi con những câu hỏi giúp trẻ xác định điều hứng thú trong việc học, sau đó khích lệ và cho lời khuyên khi cần thiết! Vd: hôm nay con học được điều hay gì, có thể kể cho bố mẹ nghe không? Con hứng thú gì về buổi học hôm nay?…
Những câu nói hay để dạy con!
14. Ý niệm đầu tiên trẻ phải có được là ý niệm về sự khác biệt giữa cái thiện và cái ác.
Thiện và ác là thông điệp hàng đầu của những quyển truyện cổ tích và văn học cho thiếu nhi! Từ Tấm Cám, Thạch Sanh – Lý Thông, Thánh Gióng,… đều giúp trẻ phân biệt rõ giữa cái thiện – ác, giữa cái đúng – sai. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách của trẻ.
Bên cạnh truyện tranh, bố mẹ có thể làm gì để giúp trẻ hiểu rõ đạo lý thiện – ác và phân biệt đúng – sai?
Có vài cách hiệu quả sau đây:
– Tạo ra tình huống: Khi chơi đùa cùng bé, bố mẹ sẽ tùy theo từng tình huống cụ thể mà nói cho bé biết như thế nào là đúng, như thế nào là sai. Ví dụ khi chơi trò đi xe buýt, bố mẹ hãy giả vờ mình là cụ già, người ốm hoặc phụ nữ đang mang bầu… để xem bé phản ứng thế nào, có nhường ghế ngồi không. Sau đó bạn sẽ nói cho bé biết đối với những người nào thì nên nhường ghế để trẻ hiểu rõ.
Bố mẹ có thể đóng giả cảnh sát, và người vi phạm giao thông để dạy trẻ! Ngoài ra, khi xem phim cùng bé, gặp nhân vật có lời nói bậy, bố mẹ nên nói ngay với bé những lời nói như vậy là không hay, bé không được nói theo. Hay khi đi trên đường, nếu bé bóc kẹo ăn, hãy nhắc bé bỏ vỏ kẹo vào thùng rác. Bí quyết là bố mẹ đặt câu hỏi dựa trên thực tế để dạy trẻ nhận biết đúng – sai!
– Dạy bé tự mình so sánh: bố mẹ nên chú ý giúp bé học cách so sánh, đặt bản thân vào người khác để từ đó rút ra nhận thức của mình. Khi đưa ra tình huống hãy hỏi: “Nếu con là bà cụ, cô bé, nhân vật này thì con sẽ giải quyết như thế nào?” Sau đó, bố mẹ sẽ chỉnh sửa đúng sai để bé nhận thức đúng đắn hơn!
– Giúp trẻ hiểu “kết quả khi hành động”: Khi trẻ hiểu được mối quan hệ giữa “hành động và kết quả”, trẻ sẽ suy nghĩ kĩ trước khi hành động. Bố mẹ cần thường xuyên hỏi trẻ:
- Nếu không đội mũ bảo hiểm thì con sẽ như thế nào? Giúp trẻ trả lời đúng: “Con sẽ nguy hiểm, bị chú công an phạt!”
- Nếu nhịn ăn thì con sẽ như thế nào? “Con sẽ bị đói, chậm lớn, kém thông minh, không thực hiện được điều con muốn”
- Nếu con là người độc ác hay làm hại bạn bè thì con sẽ như thế nào? “Con sẽ chẳng có ai chơi, bị gia đình, thầy cô trách phạt, và khiến cha mẹ buồn”….
15. Giáo dục giới tính có khuyến khích tình dục không? Nhiều bậc phụ huynh sợ phải nói chuyện về tình dục với đứa con ở tuổi thanh thiếu niên của mình, lo điều đó sẽ bị con coi là mình cho phép nó quan hệ thể xác. Không gì cách xa sự thực hơn thế. Trẻ con càng được học về giới tính qua lời nói của cha mẹ và thầy cô, và đọc đúng sách hợp lý, chúng càng ít bị thôi thúc muốn tự mình tìm hiểu.
Nhiều bố mẹ hiện đại chọn cách “giáo dục giới tính” cho trẻ ngay từ khi chúng bước vào tiểu học! Cho trẻ biết những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể mình (khi tắm).
Tuy nhiên, bố mẹ cần thể hiện sự tế nhị và cởi mở đúng mực, tránh làm cho con cảm thấy hoang mang và nhìn nhận sai lầm về giới tính. Khi con đặt câu hỏi thì bạn cần giải đáp rõ ràng, nghiêm túc, không nên tỏ ra ngượng ngùng, bối rối, không cười giỡn, đùa cợt với thắc mắc của con. Hãy để cho trẻ biết đâu là bộ phận mang tính riêng tư, kín đáo của mỗi người, không được phô bày ra ngoài và không được để người khác động đến.
Nếu không giáo dục giới tính từ sớm sẽ như thế nào? Tình trạng xâm hại tình dục có thể xảy ra với trẻ, thậm chí những biến chứng tâm lý sau đó như trầm cảm, tự tử, vô sinh,… là một câu chuyện “đáng để cảnh tỉnh” chúng ta! Hơn nữa, tình trạng “quan hệ tình dục khi chưa đủ tuổi” và nạo phá thai,… cũng là những hệ lụy nguy hiểm khi bố mẹ không giáo dục giới tính cho con đúng cách!
Kết luận
Trên đây là 15 câu nói hay về dạy con! Tuy nhiên, tùy lứa tuổi mà bạn có thể áp dụng để phát huy tối đa hiệu quả nhé! Nếu bạn có thêm những câu nói hay nào khác về dạy con thì có thể chia sẻ tại phần bình luận dưới đây! Mình rất muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp từ bạn!
Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi trọn vẹn bài viết! Đừng quên Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích nhé!
Xem thêm: